Trong luật đất đai 2013 không có thuật ngữ “đền bù” => chỉ có “bồi thường”
Căn cứ khoản 11 Điều 4 Luật đất đai 2013 thì:
Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất đai của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Trong luật đất đai cũng không giải thích giải phóng mặt bằng là gì. Ta có thể hiểu Giải phóng mặt bằng là quá trình tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến di dời nhà cửa, cây cối và các công trình xây dựng trên phần đất nhất định được quy định cho việc cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng một công trình mới trên đó. Công tác giải phóng mặt bằng trên thực tế mang tính quyết định đến tiến độ của các dự án.
Có thể hiểu “đền bù” có nghĩa là trả lại đầy đủ, tương xứng với công lao, sự mất mát. Và không phải mọi khoản “đền bù” đều bằng tiền mà có thể bằng tài sản.
Căn cứ đền bù giải phóng mặt bằng là :
Thứ nhất, người sử dụng đất có đất bị thu hồi giải phóng mặt bằng, người có tài sản (công trình, cây cối trên đất,…) là đối tượng được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Người sử dụng đất được bồi thường cả về đất và bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Chi tiết tại nghị định 47/2014/NĐ-CP và 01/2017/NĐ-CP
Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
– Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật đất đai thì được bồi thường.
– Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi.
– Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất
– Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
– Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, căn cứ vào giá đất dùng để bồi thường khi thu hồi đất, giá trị tài sản thiệt hại đã được định giá.
Căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật đất đai 2013
Việc bồi thường về đất khi thu hồi đất sẽ được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Như vậy, để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì căn cứ vào giá đất cụ thể.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật đất đai năm 2013 thì giá đất cụ thể sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện xác định giá đất cụ thể thông qua việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất và phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Giá đất cụ thể của từng tỉnh sẽ được đăng tải lên trang thông tin điện tử cấp tỉnh, giúp cho người dân có thể dễ dàng tra cứu.